Thủy điện Năng lượng tái tạo ở Việt Nam

Tiềm năng

Đập thủy điện Hòa Bình

Việt Nam có tiềm năng khai thác công suất cho thủy điện khoảng 25.000 - 38.000 MW, trong đó 60% tập trung ở miền Bắc, miền Trung là 27% và 13% còn lại ở miền Nam[2][3] Việt nam đã khai khác gần hết thủy điện lớn (công suất trên 100 MW)[2] Vì vậy, Nước ta tập trung vào phát triển thủy điện nhỏ.

Trên cả đất nước đã phát hiện được hơn 1.000 địa điểm có tiềm năng khai thác làm các dự án thủy điện nhỏ, dao động từ 30 - 100 MW, tổng công suất đạt hơn 7.000 MW. Những địa điểm này tập trung chủ yếu ở vùng núi phía bắc, bờ biển Nam Trung Bộ và Tây Nguyên[4]

Hiện trạng

Tính đến năm 2015, tổng công suất toàn thủy điện nhỏ rơi vào khoảng 2.300 MW[5] Cuối năm 2018, cả nước ta có khoảng 23.182 MW công suất tương đương khoảng 818 nhà máy thủy điện vừa và lớn[6] và 3.322 MW công suất tưong đương 285 nhà máy thủy điện nhỏ[7]

Quy hoạch điện quốc gia

Theo như Quyết định số 428/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030[8] (hay còn được gọi là Quy hoạch điện 7 điều chỉnh - QHD 7A):

  • "Tổng công suất các nguồn thủy điện (bao gồm cả thủy điện vừa và nhỏ, thủy điện tích năng) từ gần 17.000 MW hiện nay lên Khoảng 21.600 MW vào năm 2020, Khoảng 24.600 MW vào năm 2025 (thủy điện tích năng 1.200 MW) và Khoảng 27.800 MW vào năm 2030 (thủy điện tích năng 2.400 MW). Điện năng sản xuất từ nguồn thủy điện chiếm tỷ trọng Khoảng 29,5% vào năm 2020, Khoảng 20,5% vào năm 2025 và Khoảng 15,5% vào năm 2030."
  • "Năm 2020: Tổng công suất các nhà máy điện Khoảng 60.000 MW, trong đó: Thủy điện lớn, vừa và thủy điện tích năng Khoảng 30,1%. Năm 2025: Tổng công suất các nhà máy điện Khoảng 96.500 MW, trong đó: Thủy điện lớn, vừa và thủy điện tích năng Khoảng 21,1%. Năm 2030: Tổng công suất các nhà máy điện Khoảng 129.500 MW, trong đó: Thủy điện lớn, vừa và thủy điện tích năng Khoảng 16,9%."

Một vài dự án nổi bật

Một vài nhà máy thủy điện tiêu biểu đã được xây dựng kể từ năm 1975 có thể kể đến như: Thủy điện Sơn La (2400 MW), Thủy điện Lai Châu (1200 MW)[4],....

Tác động

Tháng 10/2018, Bộ Công Thương và Ủy ban nhân dân đã loại bỏ 474 dự án thủy điện và 213 địa điểm tiềm năng vì những tác động tiêu cực của những dự án này tới môi trường và xã hội vượt xa những lợi ích có thể mang lại về mặt kiểm soát lũ lụt, thủy lợi và sản xuất điện.[9] Phần lớn các dự án bị loại bỏ này nằm ở các tỉnh miền núi và trung du phía Bắc, Tây Nguyên và các tỉnh ven biển miền Trung, và được quản lí bởi các doanh nghiệp tư nhân.[10]

Quyết định về việc hủy các dự án trên được đưa ra do một chuỗi sự việc xảy ra với các thủy điện vừa và nhỏ, đặc biệt trong mùa mưa[11]. Đây là dấu hiệu cho thấy cơ chế và chính sách phát triển thủy điện đã khuyến khích các nhà đầu tư tham gia quá nhiều mà không có các rào cản tích hợp để lọc ra những dự án kém hiệu quả và tiềm năng rủi ro cao. Một vài hậu quả tiêu cực của phát triển thủy điện:

  • Phá vỡ sinh kế và mất rừng. Với việc xây dựng 25 dự án thủy điện lớn ở Tây Nguyên đã cướp đi 68.000 ha đất cây trồng của 26.000 hộ dân sinh sống. Đơn cử trường hợp của thủy điện Dak Ru (công suất 7,5 MW), vận hành vào tháng 4/2008 đã phá hàng trăm ha rừng dọc suối Dak Ru, đào xới, làm đảo lộn cảnh quan cả một vùng rừng núi để xây dựng đập ngăn hồ chứa và hệ thống kênh dẫn dòng dài hơn 5 km.[12]
  • Vỡ đập. Dự án thủy điện Ia Krêl 2 (công suất 5,5 MW) tại tỉnh Gia Lai bị thu hồi vào tháng 8/2018 sau 2 lần vỡ đập vào 2013 và 2014. Ước tính tổng thiệt hại do 2 lần vỡ đập vào khoảng 7 tỉ đồng. Lần vỡ đập thứ 2 đã "xóa xổ" 26 chòi rẫy cùng 60 ha cây trồng các loại của dân sống ở đó.[13]
  • Xả lũ bất ngờ. Tháng 8/2018, công trình thủy điện Đồng Nai 5 và sự cố kẹt van xả tại thủy điện Đắk Ka đã làm ngập gần 1.600 ha đất nông nghiệp, cuốn trôi 99 bè cá của 14 hộ dân nuôi cá trên sông Đồng Nai.[14] Ngày 23/05/2019, thủy điện Nậm Nơn bất ngờ xả lũ, không kéo còi cảnh báo theo quy định đã khiến 1 người tử vong.[15]
  • Ảnh hưởng đến nguồn nước hạ lưu và sự vận chuyển của trầm tích. Tháng 11/2018, Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai đã chấp thuận xây dựng 2 dự án thủy điện Thái Niên (60 MW) và Bảo Hà (40 MW) được xây dựng trên sông Hồng. Tuy nhiên, quyết định này đã vướng phải sự phản đối dữ dội từ các tỉnh hạ lưu dọc theo sông Hồng, bao gồm thủ đô Hà Nội.[16]
  • Thay đổi dòng chảy. Tháng 12/2018, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An đã loại bỏ 16 dự án thủy điện khỏi quy hoạch và xem xét lại 1 dự án trước những báo cáo về tác động xấu về biến đổi dòng chảy, nước rút chậm vào mùa lũ, thời gian ngập lụt kéo dài của đoàn kiểm tra của tỉnh.[17]
  • Hồ chứa đập thủy điện gây ra động đất cường độ nhỏ. Từ tháng 1/2017 đến đầu tháng 8/2018 tại tỉnh Quảng Nam, đã có 69 trận động đất cường độ từ 2,5 - 3,9 richter. Trong đó, 63 trận được ghi nhận tại 2 huyện Nam Trà My và Bắc Trà My, nơi có thủy điện Sông Tranh 2 đang vận hành và 6 trận xảy ra ở huyện Phước Sơn, gần khu vực thủy điện Đăk Mi 3 và Đăk Mi 4.[18] Chuỗi trận động đất xảy ra gần thủy điện Sông Tranh 2 đã gây nứt vỡ cho nhiều công trình và toà nhà xung quanh khu vực, gây mối lo lắng về sự mất an toàn cho người dân, kể cả khi đã có thông cáo báo chí của Hội đồng Xây dựng Quốc gia xác nhận đập thủy điện Sông Tranh 2 đã thông qua kiểm tra chất lượng nghiêm ngặt. Thiệt hại cho nhà cửa và công trình công cộng ước tính lên tới 3,7 tỷ đồng. Thiệt hại tỉnh lộ ước tính khoảng 20 tỷ đồng.[19]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Năng lượng tái tạo ở Việt Nam //edwardbetts.com/find_link?q=N%C4%83ng_l%C6%B0%E1... http://www.vjol.info/index.php/dhcl/article/viewFi... http://documents.worldbank.org/curated/en/25254146... http://baochinhphu.vn/Xa-hoi/Bo-Cong-Thuong-kien-q... http://baovanhoa.vn/chinh-tri/artmid/417/articleid... http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/kinh-te/dien-... http://repository.vnu.edu.vn/flowpaper/simple_docu... http://evnhanoi.vn/tin-tuc-evnhanoi/tiet-kiem-dien... http://nangluongvietnam.vn/news/vn/dien-hat-nhan-n... http://nangluongvietnam.vn/news/vn/dien-luc-viet-n...